Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Phát hiện mới giúp trẻ hết biếng ăn

Trẻ biếng ăn là mối lo lắng của cha mẹ vì chúng chỉ ăn một loại thức ăn cố định và từ chối những loại thức ăn khác hay trẻ cảm thấy khó chịu với cấu trúc và mùi vị của thức ăn. Trẻ sẽ rất lo lắng khi đến giờ ăn vì vậy trẻ có những hành vi như lắc đầu, nhè ra, kéo dài bữa ăn... Để giới thiệu thức ăn mới cho trẻ thành công, việc thay đổi thức ăn và thích hợp rất quan trọng.
Theo mốc phát triển của quá trình ăn uống bình thường của trẻ thì trẻ 6 tháng tuổi sẽ ăn thức ăn nhuyễn không lợn cợn. Khi được 7-8 tháng tuổi, trẻ vẫn ăn thức xay nhưng vẫn còn lợn cợn và đây là giai đoạn trẻ bắt đầu tập nhai. Lên 9 tháng tuổi trẻ ăn thức ăn có thể nhai được và những loại thức ăn có cấu trúc cứng giòn, kích thước nhỏ (chuối, phomai, thịt băm...). Và ở 12 tháng tuổi, trẻ có thể ăn được thức ăn như trẻ lớn, trẻ bắt đầu học các tự sử dụng ly và muỗng.
Tập cho con hết biếng ăn, cần hết sức kiên trì
Tiến trình bình thường là như thế, tuy nhiên có nhiều trẻ rất khó làm quen với loại thức ăn mới. Ví dụ có những trẻ gần 24 tháng nhưng chỉ cần ăn thức ăn lợn cợn là bị sặc. Các bé này có thể đã rơi vào tình trạng biếng ăn.
Phải làm gì đây khi con gặp tình trạng này?
Các bậc phụ huynh nên giúp trẻ chấp nhận thức ăn mới. Trong phương pháp này, trẻ được khuyến khích tiếp xúc với thức ăn mới qua các giác quan: nhìn, sờ, ngửi, nếm. Tức là thức ăn mới sẽ được phơi bày ra trước mắt trẻ, cha mẹ trẻ sẽ làm mẫu và khuyến khích trẻ chạm vào thức ăn bắt đầu từ ngón tay lên đến lòng bàn tay - cánh tay - vai - má - xung quanh miệng. Bởi vì miệng là cơ quan hết sức nhạy cảm đối với trẻ. Ép trẻ ăn luôn, có thể khiến trẻ sợ hãi. Nếu trẻ chịu đựng được hoặc tỏ ra thích thú với những hoạt động trên có nghĩa là thức ăn mới đã dần đến gần với miệng của trẻ hơn. Lúc đó không nên vội vàng đưa ngay vào miệng của trẻ mà phải để trẻ trải nghiệm thêm về mùi vị của thức ăn bằng cách ngửi, nếm và đến lúc này trẻ sẽ cảm thấy thật dễ dàng để ăn chúng. Ngoài ra có thể tổ chức thành các trò chơi với thức ăn: nấu ăn, vẽ bằng thức ăn...
Để thực hiện phương pháp trên hiệu quả trên nên áp dụng kèm các biện pháp sau:
- Cho trẻ ăn đúng giờ và ngồi trên bàn, không cho trẻ xem tivi để tránh xao nhãng.
- Trẻ nên được ăn chung với gia đình để trẻ cảm nhận được những thức ăn mà cha mẹ chứng đang ăn - không có độc hại hay đáng sợ như chúng nghĩ.
- Sắp xếp bữa ăn phụ và bữa ăn chính có một khoảng cách thời gian hợp lý để trẻ có thời gian tiêu hóa thức ăn, vị trí ngồi chắc chắn, an toàn
- Khi trẻ đã có những dấu hiệu như nôn, ọe hoặc lắc đầu không muốn ăn thì cha mẹ không nên ép trẻ ăn bằng mọi cách vì làm như vậy trẻ sẽ cảm thấy việc ăn uống là việc làm quá sức và kinh khủng.
- Nếu trẻ không tự ăn một mình thì phải cho trẻ làm quen với cách dụng cụ ăn uống (ly, chén, muỗng...)
- Trước khi thực hiện mọi hoạt động với trẻ cha mẹ nên thông báo cho con biết. Ví dụ giới thiệu loại thức ăn mới là "táo" hãy nói với trẻ "nhìn này, hôm nay chúng ta ăn táo, chúng ta sẽ nhai táo" hoặc giới thiệu về cấu trúc, mùi vị, màu sắc qua hình ảnh trái táo.
- Có thể thực hiện một số trò chơi massage vùng miệng hoặc vận động môi lưỡi trước bữa ăn, ví dụ dùng lưỡi đếm răng, chắt lưỡi, tạo ra các âm thanh tiếng bò kêu, tiếng rắn "si", dùng khăn lông hoặc ngón tay chạm vào vùng môi và yêu cầu trẻ đoán là vật gì...
Việc điều trị chứng biếng ăn ở trẻ là một cuộc chiến hao tâm tổn sức. Hi vọng những chỉ dẫn nhỏ trên đây có thể trợ giúp các mẹ phần nào trong trận đấu cam go với kẻ thù mang tên "biếng ăn"

Bí quyết giúp trẻ hết biếng ăn

Rất nhiều gia đình phải khổ sở mỗi khi cho trẻ ăn, mẹ đút, cô và bà thì hát, bố làm trò hề cho trẻ ăn, thậm chí nhiều nhà còn cãi nhau. Thực tế ít có vị phụ huynh nào biết cho trẻ ăn đúng cách, trẻ càng không ăn thì cha mẹ càng ép, có bữa ăn phải bồng trẻ đi khắp xóm, mất từ 1-2 giờ đồng hồ, có bữa phải bật tivi lên để trẻ dán mắt vào màn hình trong khi người mẹ thì đút cơm cháo vào miệng trẻ, hậu quả dẫn đến trẻ càng ngày càng thích mè nheo, la khóc trong bữa ăn, đòi bồng đi lòng vòng chơi hoặc chỉ thích xem tivi mà không màng đến bữa ăn của mình.
Cho trẻ biếng ăn ăn cùng gia đình có thể là một giải pháp hữu hiệu với các bé
Làm thế nào cho trẻ hết biếng ăn?
- Không cho trẻ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (trừ nước chín) như bánh, kẹo, phô mai, uống sữa... trước bữa ăn 1 giờ. Vì chúng sẽ làm trẻ no bụng và không ăn các thức ăn chính. Nếu trẻ có la khóc, đòi hỏi thì hãy cố gắng làm ngơ và bỏ qua điều đó, dần dần trẻ sẽ tập được thói quen, đến bữa ăn trẻ sẽ ăn uống ngon miệng hơn.
- Cho trẻ ngồi ăn cùng mâm cơm gia đình để trẻ biết được không khí gia đình và giờ giấc ăn.
- Một bữa ăn của trẻ là khoảng 30 phút, nếu trẻ vẫn chưa ăn xong trong vòng 30 phút, hãy dọn dẹp hết tất cả. Việc kéo dài thời gian ăn hay tăng số lần ăn trong ngày chỉ làm cho trẻ cảm thấy sợ và chán ngấy, trẻ sẽ tìm mọi cách để phản đối lại bữa ăn như: la khóc, chạy trốn, ói, ngậm thức ăn trong miệng...
- Không ép trẻ khi trẻ không ăn nữa, đừng bao giờ sợ trẻ đói bởi vì khi đói trẻ sẽ tự đòi ăn, đó là bản năng sinh tồn của con người
- Nếu được thì hãy để trẻ tự tay múc ăn phần ăn của mình, đừng ngại việc dọn dẹp lại những thức ăn rơi vãi như vậy sẽ giúp trẻ khéo léo và chọn được những món ăn ưa thích.
- Nếu muốn cho trẻ uống sữa hay ăn trái cây thì dùng ngay sau bữa ăn chính
- Để trẻ tự nhắc đến giờ ăn của mình, trẻ sẽ tập được việc ăn uống điều độ.
- Cho trẻ ăn theo nhu cầu của trẻ, nghĩa là vừa đủ lượng thức ăn mà dạ dày trẻ có thể chấp nhận được, đừng cố ép trẻ ăn theo lượng bố mẹ nghĩ là cần thiết. Ép buộc, quát tháo trong bữa ăn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng biếng ăn của bé.

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Toàn cảnh về "biếng ăn" ở trẻ

1. Biếng ăn là gì?
- Biếng ăn là hiện tượng trẻ ăn ít hơn bình thường, chỉ ăn một vài loại thức ăn, sợ ăn, từ chối hoặc nôn ọe khi nhìn thấy thức ăn, ngậm thức ăn không chịu nuốt...
- Biếng ăn bản thân nó không hẳn là một bệnh mà thường là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do bệnh lý hoặc tâm lý.
- Tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ không thực sự biếng ăn mà do cảm giác lo lắng của cha mẹ hoặc người trông nuôi trẻ. Do đó để đánh giá trẻ biếng ăn ta cần dựa vào các chỉ số sau: số lượng thức ăn trẻ ăn trong ngày ít hơn nhu cầu theo tuổi, trẻ thường hay táo bón, số lượng phân ít hơn bình thường, phát triển cân nặng chậm hơn bình thường hoặc không tăng cân có khi còn giảm cân.
- Tình trạng biếng ăn ở trẻ có thể tạo nên một vòng xoắn bệnh lý: biếng ăn, ăn ít gây ra thiếu nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như đạm, dầu mỡ, vitamin và các yếu tố vi lượng... dẫn đến hậu quả bị suy dinh dưỡng. Trẻ suy dinh dưỡng lại dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, khi bị bệnh trẻ lại càng biếng ăn.
2. Phương pháp xây dựng thực đơn cho trẻ biếng ăn
2.1. Cách cho ăn
- Trẻ nhỏ còn bú mẹ: cho trẻ bú nhiều lần hơn nếu thời gian mỗi lần bú ít hơn bình thường. Nếu trẻ không ngậm bú được, người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống.
- Trẻ lớn hơn đã ăn bổ sung
     Cần tạo tâm lý thoải mái, vui thú nhất là tâm lý ganh đua khi ăn sẽ kích thích cá tuyến tiêu hóa hoạt động, tăng bài tiết men tiêu hóa giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Việc bế bé đi ăn rong, có thể cho bé tiếp xúc với nhiều trẻ, kích thích bé ăn.
     Cần thay đổi thức ăn và cho trẻ ăn những loại thức ăn trẻ thích để khuyến khích trẻ ăn nhiều
     Nên cho ăn những loại thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu hóa, chia thành bữa nhỏ
2.2 . Lựa chọn những thực phẩm nên dùng trong khẩu phần trẻ biếng ăn:
Cần chú trọng bồi dưỡng bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng giúp bé nhanh bắt kịp tăng trưởng
thực đơn cho bé biếng ăn cần được chú ý để đảm bảo năng lượng cho bé
2.2.1 Các loại thực phẩm giàu đạm đặc biệt đạm nguồn gốc động vật: sữa mẹ, sữa bò, sữa đậu, trứng, thịt, cá
* Sữa: Tốt nhất trẻ nên được bú sữa mẹ, trừ trường hợp không thể:
- Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể thay thế một phần sữa bổ sung bằng sữa chua nếu trẻ thích vị sữa chua từ 1-2 cốc (không ăn lúc đói). Trẻ < 6 tháng: sữa chua nên làm từ sữa bột công thức đang nuôi trẻ.
- Hoặc có thể trộn thêm sữa bột vào bột cháo trứng / thịt của trẻ với tỷ lệ thấp (1-2 thìa sữa bột/200ml dung dịch bột/ cháo trứng, thịt).
- Những trẻ > 6 tháng biếng ăn sữa cần tăng cường thêm những chế phẩm của sữa như fomat mềm rất giàu canxi và năng lượng.
- Nếu có điều kiện kinh tế và mẹ ít hoặc không có sữa nên dùng cho trẻ sữa bột công thức có hàm lượng năng lượng cao để đảm bảo được năng lượng và thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần với số lượng ăn được ít hơn yêu cầu (1Ca/1ml sữa).
- Cho trẻ uống thêm sữa dầu 5%: 100ml sữa bột có công thức trộn thêm 1 thìa cafe dầu thực vật 5 ml (loại dầu ăn dùng để ăn sống, trộn salat)
* Thịt là thực phẩm dinh dưỡng cao (thịt gà 22,4% đạm, thịt bò 21% đạm, thịt nạc thăn 19% đạm, khi trẻ trên 1 tuổi có thể dùng thịt nạc vai, thịt mông sấn để tăng thêm năng lượng cho trẻ
*Trứng là thức ăn bổ và tốt cho trẻ em, trong trứng có nhiều chất đạm, chất béo, muối khoáng và các loại vitamin. Chất đạm của trứng có đầy đủ các loại acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối do đó trẻ dễ hấp thu. Lòng đỏ trứng về giá trị dinh dưỡng có nhiều chất đạm, chất béo, vitamin và  muối khoáng nên lòng đỏ tốt hơn lòng trắng do vậy trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên lòng đỏ. Lòng trắng trứng thành phần chủ yếu là đạm, với trẻ trên 1 tuổi có thể ăn cả quả.
* Cá, tôm, cua cũng nên được bổ sung trong khẩu phần ăn của bé. Vì các nguyên liệu này rất giàu đạm (15-20%) lại dễ hơn tiêu hóa hơn đạm thịt. Ngoài ra còn chứa nhiều canxi, phospho giúp trẻ không bị còi xương (chú ý trẻ khoảng từ 7 tháng tuổi có thể ăn được các loại thực phẩm này nhưng phải tập ăn sau đạm trứng, thịt và tập dần từ ít đến nhiều).
Ở những gia đình không có điều kiện cho trẻ ăn nhiều đạm trứng, thịt thì có thể thay thế bằng đậu tương, đậu xanh, lạc là thực phẩm thực vật cung cấp chất đạm, béo giá thành rẻ. Nhưng trong những trường hợp này khuyến nghị cho nhu cầu protein ăn vào cần được đặt cao hơn một chút (do đạm thực vật tỷ lệ đạm thường thấp hơn và khả năng hấp thu đối với hệ tiêu hóa của người cũng thấp hơn so với đạm động vật)
2.2.2. Các loại thực phẩm giàu glucid
- Gạo, mì: với lượng lớn trong khẩu phần ăn đóng vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng cho bé
2.2.3. Các loại thực phẩm giàu chất béo
- Chất béo rất giàu năng lượng. Với một lượng tương đương, chất béo cung cấp năng lượng gấp đôi so với chất đạm và chất bột. Ngoài ra nó giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K) rất cần cho phát triển xương, mắt và cung cấp các acid béo no cần thiết. Do vậy, cần đảm bảo ăn đủ lượng dầu, mỡ cho trẻ để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng theo lứa tuổi của trẻ.
- Nên cho trẻ ăn cả dầu thực vật lẫn mỡ động vật đặc biệt là mỡ gà vì có chứa tới 18% acid béo chưa no rất tốt cho sự hấp thu của trẻ, bên cạnh đó còn có chứa những acid béo no cần cho chuyển hóa của trẻ. 
Ngoài ra cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ rau, hoa quả tươi để cung cấp đủ các vitamin, chất xơ và các yếu tố vi lượng.
2.3. Có thể giúp hệ tiêu hóa trẻ hoạt động dễ dàng hơn bằng cách: sử dụng bột mộng có thêm thành phần enzym hoặc dùng nước giá đỗ sống để giúp tăng khả năng tiêu hóa thức ăn và hóa lỏng thức ăn 2-3 lần (đặc biệt cần cho trẻ kém khả năng ăn bột/cháo đặc so với lứa tuổi)
2.4 Những sai lầm các mẹ thường mắc khi cho bé ăn
- Cho trẻ ăn những thực phẩm không nên dùng: những thực phẩm nguyên hạt, khó tiêu (như ngô...) thấp năng lượng nhưng chiếm dung lượng lớn như miến, khoai... Trẻ không táo bón nhưng vẫn trộn quá nhiều đậu xanh, sen, ý dĩ... trong bột xay của trẻ hoặc cho quá nhiều rau xanh trong bữa bột/cháo khiến khẩu phần ăn của bé có ít năng lượng
- Không cho trẻ ăn cá, tôm, cua vì sợ trẻ bị tiêu chảy hoặc khi trẻ có nhiễm khuẩn ho hay tiêu chảy. chỉ trong những trường hợp cá, tôm, cua là nguyên nhân gây tiêu chảy như một biểu hiện của bệnh dị ứng ở một số cơ địa dị ứng đồ tanh (tỷ lệ ở trẻ rất thấp)

Biếng ăn từ góc nhìn của chuyên gia dinh dưỡng

    Theo BS Lê Quang Hào, viện dinh dưỡng Hà Nội, biếng ăn tình trạng rất hay gặp ở trẻ em. Biếng ăn có nhiều biểu hiện khác nhau: trẻ ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt, không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn, chạy trốn khi tới bữa ăn, nghe thấy lanh canh của thìa, bát, hay nhìn thấy thức ăn đó có phản ứng buồn nôn hoặc bố, mẹ cho ăn không chịu ăn nhưng người khác cho ăn lại ăn... 
Nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ em 
1. Nguyên nhân đầu tiên có thể do yếu tố bệnh lý, khi trẻ ốm, mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hoá (viêm dạ dày, viêm ruột...). Khi trẻ bị nhiễm khuẩn thì hàm lượng các vitamin và các chất khoáng bị mất đi rất lớn, nhất là vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, Magiê, B6, sắt, kẽm làm cho trẻ biếng ăn. Hơn nữa, trẻ bị nhiễm khuẩn thường dùng kháng sinh dễ dẫn đến loạn khuẩn đường ruột cùng với các tổn thương thực thể tại hệ tiêu hoá, nên trẻ bị chướng bụng, khó tiêu, càng dễ biếng ăn. 
2. Nguyên nhân thứ hai là cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột cũng làm cho trẻ biếng ăn. Thường một đôi tuần đầu mới ăn bổ sung thì trẻ ăn rất ngon miệng, sau đó trẻ ăn kém dần do nhu cầu vitamin nhóm B (nhất là vitamin B1), Magiê bị thiếu hụt. 
3. Thức ăn không hợp khẩu vị cũng làm cho trẻ biếng ăn. 
4. Một số nguyên nhân khác nữa như trẻ mọc răng, viêm loét vùng miệng, ăn không có giờ giấc, ăn quà vặt, hoặc ăn bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn. 
5. Bé biếng ăn cũng có thể do... thiếu ăn. Người mẹ khi mang thai thiếu ăn (thiếu sắt, thiếu canxi, thiếu kẽm, thiếu các vitamin...). Dẫn tới trẻ bị thiếu ăn ngay từ trong bụng mẹ và suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Kết quả là trẻ sinh non tháng, thiếu cân dẫn tới lười bú mẹ ngay từ những tháng đầu sau khi sinh. Những trẻ sinh thường, đủ cân có thể lười bú mẹ, bỏ bú mẹ hoặc đang ăn sữa ngoài bình thường tự nhiên giảm lượng ăn hoặc bỏ hẳn sữa ngoài. Với trẻ lớn hơn cũng xảy ra tình trạng như vậy. Dẫn tới tình trạng này cũng do thiếu ăn (khẩu phần ăn không cân đối, thiếu chất) dẫn tới thiếu vitamin D, thiếu vitamin C, vitamin nhóm B, thiếu Magiê, đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm làm cho trẻ rất biếng ăn...Khi cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột cũng làm cho trẻ biếng ăn. 
con biếng ăn có thể do nhiều nguyên nhân
6. Cuối cùng một số trẻ biếng ăn do nguyên nhân tâm lý (gọi là biếng ăn tâm lý). Khi trẻ bị ốm, mọc răng... trẻ dễ bị biếng ăn. Chưa kịp ăn ngon miệng trở lại thì bị người lớn thúc ép ăn, hoặc là trẻ mải chơi trong khi người lớn thúc ép về mặt thời gian cho nên trong các bữa ăn trẻ bị quát mắng, thậm chí bị đánh làm cho các cháu sợ bữa ăn, chỉ cần nghe hoặc nhìn thấy bát bột, bát cơm là trẻ quay đi, trẻ lớn hơn thì chạy trốn, nhiều cháu cứ hễ thấy bát bột là khóc, buồn nôn. Một số cháu không ăn để “chống đối” cha mẹ. 
Để giúp cho trẻ ăn ngon miệng trở lại, các mẹ nên phối hợp với bác sỹ tìm và loại bỏ nguyên nhân gây biếng ăn. 
1. Để giải quyết tình trạng biếng ăn bệnh lý, cần phải có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng về chế độ ăn cụ thể, phù hợp với từng trẻ, và điều quan trọng là trong bữa ăn phải tạo ra một không khí vui vẻ thoải mái giúp trẻ ăn ngon miệng. Tránh không nên “đè” trẻ ra bắt ăn, không nên mắng mỏ, doạ dẫm mà phải tìm hiểu nguyên nhân biếng ăn ở trẻ để khắc phục.
2. Trong thời gian điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, cần phải bổ sung đầy đủ các vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B và các chất khoáng như Magiê, kẽm. Đặc biệt là không được lạm dụng kháng sinh. 
3. Nên có một chế độ dinh dưỡng và thuốc dành riêng cho trẻ sinh thiếu tháng, thiếu cân.
4. Tập cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thức ăn và luôn thay đổi món ăn, cách chế biến để cho trẻ ăn ngon miệng. Không nên cho trẻ ăn bổ sung quá sớm. Khi trẻ được 6 tháng tuổi mới nên cho trẻ ăn bổ sung. Không nên vì mong con nhanh tăng cân mà ép trẻ ăn quá nhiều. 
6. Phòng chống bệnh còi xương, bệnh thiếu máu do thiếu sắt ngay từ tháng tuổi thứ 2, liên tục cho đến ít nhất 5 tuổi. 
7. Giảm đau trong qúa trình trẻ mọc răng hoặc viêm loét vùng miệng. Thường thường người lớn ít quan tâm đến vấn đề đau khi trẻ mọc răng mà cho đó là điều bình thường, nhưng thực ra khi mọc răng trẻ rất đau, đau phát sốt và không dám ăn vì sợ đau. 



Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Lạm dụng thuốc bổ ở trẻ biếng ăn

Do sốt ruột về tình trạng cân nặng của con mình nhất là các bé biếng ăn mà nhiều bậc cha mẹ cứ nghe đến thuốc nào bổ, thuốc nào giúp trẻ ăn ngon, trị biếng ăn và mau tăng cần là lại đổ xô đi mua về cho con dùng mà không hề hay biết nếu lạm dụng quá mức hoặc dùng không đúng các loại thuốc đó.
Vitamin - dùng vô tội vạ, lợi bất cập hại
Khi con biếng ăn, các mẹ thường rất lo lắng cho sức khỏe, sợ con thiếu chất nên mua đủ loại vitamin cho con uống mà không ngờ việc lạm dụng như thế tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường. Ví dụ vitamin A khi bị tích lũy quá nhiều trong cơ thể - đặc biệt là trẻ sơ sinh - sẽ khiến trẻ bị tăng áp lực sọ não đưa đến lồi thóp, viêm teo dây thần kinh thị giác. Dùng quá liều vitamin D sẽ gây cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm.  Hoặc việc lạm dụng vitamin C có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa và sỏi thận khi dùng dài ngày
Vậy nên sử dụng vitamin như thế nào là hợp lý với trẻ?
-  Nếu hàng ngày ta cho trẻ ăn uống cân bằng, đầy đủ thì không sợ thiếu vitamin và chất khoáng, nhất là chế độ ăn giàu rau cải, trái cây vì đây là nguồn vitamin thiên nhiên rất tốt. Tuy nhiên nhiều trường hợp bác sỹ vẫn có thể khuyên cho trẻ uống bổ sung vitamin. Nguyên nhân là các vitamin vốn có trong thực phẩm dễ bị mất đi hay giảm trầm trọng do chất lượng thực phẩm không đảm bảo (rau héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C) hoặc bảo quản chế biến thực phẩm không tốt (gạo càng trắng càng ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ làm mất đi các vitamin tan trong nước. Với trường hợp này, các mẹ nên lưu ý cho con bổ sung vitamin đúng với liều lượng bác sỹ đưa ra.
- Trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, chậm lớn cũng cần bổ sung vitamin cần thiết nhưng các mẹ cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để cho con dùng đúng loại đúng liều. Không nên nghĩ rằng vitamin có thể thay thức ăn mà cho con uống bừa bãi.
cho con biếng ăn uống thuốc bổ: cần cẩn trọng!
- Trẻ sơ sinh đến 4 tháng tuổi chỉ được bú sữa mẹ mà không nên cho dùng thêm bất sứ chất lỏng thực phẩm nào khác, kể cả thuốc dung dịch uống chứa vitamin. Bà mẹ muốn bổ sung vitamin cho trẻ sơ sinh nên tự mình bổ sung và cho con bú sữa mẹ để thông qua sữa mẹ con được bổ sung vitamin.
Men tiêu hóa: có giúp tăng cân?
Hiện nay, nhiều phụ huynh đang nhầm lẫn giữa "men tiêu hóa" và "men vi sinh"
- Men vi sinh chỉ các chế phẩm chứa các vi sinh vật có ích khi uống vào nhằm cải thiện sự cân bằng của hệ tạp khuẩn ruột. Với trẻ con, các bậc phụ huynh chỉ bổ sung cho trẻ khi thực sự cần thiết, tức nghi ngờ trẻ bị rối loạn tạp khuẩn, thông thường chỉ dùng không quá 7-10 ngày, ngưng dùng thuốc 7-10 ngày nếu muốn tiếp tục dùng lại. Nhiều cha mẹ muốn tăng cường chức năng bộ máy tiêu hóa để cải thiện chứng biếng ăn của con nên đã cho con dùng rất nhiều men vi sinh. Tuy nhiên dùng hàng trăm gói mà cân nặng của con vẫn "dậm chân tại chỗ". Không chỉ có thể, con còn bị rối loạn tiêu hóa trầm trọng.
Theo các bác sỹ, việc lạm dụng men vi sinh kéo dài khiến cơ thể không sản sinh, hoặc sản sinh ít enzym có tác dụng kích thích tiêu hóa, dẫn đến trẻ bị phụ thuộc và khi không có men sẽ không ăn. Hoặc một số men bị chống chỉ định dùng với kháng sinh, nếu kết hợp sẽ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
- Thuật ngữ men tiêu hóa chỉ chế phẩm chưa các enzym giúp tiêu hóa thức ăn, khi thiếu sẽ sinh khó tiêu, đầy bụng. Một số thức ăn hàng ngày có thể hỗ trợ cho tiêu hóa nhờ cung cấp chính enzym tiêu hóa như đu đủ, dứa, sản phẩm lên men... Để bổ sung men tiêu hóa cho người thiếu, người ta làm ra các chế phẩm là các thuốc chứa enzym. Tuy nhiên nên lưu ý khi bổ sung men tiêu hóa dưới dạng thuốc xem như chúng ta đã bổ sung từ ngoài vào giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, vì thế chỉ dùng khi thật sự cần thiết. Không nên lạm dụng vì dùng dài ngày sẽ gây tác hại ngược do lượng men tiêu hóa được cung cấp nhiều từ bên ngoài trong thời gian dài sẽ ức chế các tuyến tiết ra men tiêu hóa nội sinh có trong cơ thể.
Hiện nay có nhiều mẹ lạm dụng cho trẻ biếng ăn dùng quá đà thuốc chứa các men tiêu hóa vì lầm tưởng thuốc làm tăng cân. Như đã nói, thuốc không có tác dụng làm tăng cân mà chỉ giúp trẻ thiếu men tiêu hóa ăn uống tốt hơn. Chỉ dùng thuốc khi thực sự cần thiết để tránh lệ thuộc thuốc, cơ thể trẻ ngưng tiết men tiêu hóa. 
Con biếng ăn là điều không ai muốn, và có rơi vào hoàn cảnh đó mới thấu rõ tâm tư của các phụ huynh. Nhưng các mẹ có con biếng ăn đừng vì sốt ruột mà lại thành gây hại cho con. 

Thói quen nên bỏ giúp bé hết biếng ăn

"Có con biếng ăn từng là nỗi kinh hoàng của tôi. Con tôi gần 2 tuổi mà được chưa đầy 10 kg, chưa bằng đứa sơ sinh 11 tháng. Đút cho con ăn mà con cứ ngậm chặt miệng. Mãi mới đút được hết bát mà cuối bữa con lại trớ ra bằng hết. Nhiều lúc đập vỡ bát, rồi con khóc thét, mẹ cũng òa khóc nức nở." 
Đó là tâm sự thường gặp trên các diễn đàn cho mẹ và bé. 
Làm sao con hết biếng ăn đây?
Con biếng ăn, có thể do một số nguyên nhân không ngờ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ các mẹ nên tránh những điều sau.
1. Cho trẻ ăn đồ chiên quá nhiều
Đồ ăn chiên thường có hàm lượng dầu cao và nó đã gây ra gánh nặng với dạ dày của trẻ. Đây là một lý do ít ngờ tới gây nên chứng khó tiêu và chán ăn ở bé.
2. Dùng đồ ăn lạnh
Đồ uống lạnh như kem, chè, nước giải khát và nhiều loại thực phẩm khác có thể hợp với khẩu vị của trẻ nhưng lại hoàn toàn có hại cho con. Đồ ăn quá lạnh khi vào đến dạ dày trẻ sẽ khiến niêm mạc và các mạch máu trong dạ dày co lại và việc tiết ra acid sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn.
3. Để trẻ ăn nhiều vào bữa tối
Nhiều mẹ vì công việc hàng ngày vô cùng bận rộn nên chỉ có thể nấu được bữa tối một cách đầy đủ nhất. Điều này vô tình đã tạo cho trẻ một thói quen xấu là ăn quá nhiều vào bữa tối. Ăn quá nhiều thức ăn vào buổi tối sẽ làm tăng lượng protein và chất béo tích tụ nhiều trong dạ dày của trẻ khiến khó tiêu hóa. Điều này cũng gây bất lợi cho hoạt động của ruột và khi lớn lên trẻ dễ bị mắc bệnh đau dạ dày.
4. Chế độ ăn uống thất thường
Trẻ con ham chơi và bó thể bỏ bữa khi quá mải chơi, lúc đó con sẽ không biết mình đang bị đói. Vào lúc khác, con thấy đói và lại ăn rất nhiều. Các bậc cha mẹ khi thấy con ăn nhiều như vậy thì cũng không ngăn cản và còn tỏ ra vui mừng. Thực tế thói quen ăn uống này vô cùng hại cho dạ dày còn non yếu của trẻ. Nhiều trường hợp trẻ có thể bị nôn ngay sau khi ăn quá nhiều vì đau bụng hoặc cảm thấy khó chịu. Nguyên nhân chính là dạ dày của trẻ không kịp tiết các acid để tiêu hóa thức ăn khiến bé dễ bị đầy bụng và buồn nôn.
5. Nhai thức ăn cho con
Vì sợ răng con còn yếu hoặc con sẽ khó tiêu khi không cắn nhỏ được thức ăn, nhiều mẹ thường hay nhai thức ăn giúp con. Tuy nhiên đó là cách ăn uống không đảm bảo vệ sinh vì trong miệng người lớn có thể chứa nhiều vi khuẩn và khi nhai, những vi khuẩn này có thể theo thức ăn để vào cơ thể trẻ. Sức đề kháng của tre yếu hơn người lớn nên cũng dễ nhiễm bệnh hơn
6. Cho trẻ ăn nhiều đồ ăn đường phố
Mỗi khi đưa đón con từ trường mẫu giáo về, sợ con đói nên nhiều ông bố bà mẹ đã mua cho con đồ ăn bán ngay tại vỉa hè mà không biết rằng đây có thể là những đồ ăn không hợp vệ sinh và chứa nhiều vi khuẩn hay chất độc hại.
Chăm con biếng ăn là một cuộc chiến trường kỳ. Hi vọng những lưu ý trên sẽ giúp các mẹ phần nào trong cuộc chiến đó. 


Con biếng ăn - do lỗi của máy xay sinh tố!

     Vì sợ con nôn ọe khi ăn thức ăn lợn cợn, không ít mẹ đã dùng máy xay sinh tố mà không biết rằng làm thế sẽ càng khiến tình trạng biếng ăn của con thêm trầm trọng, nghiêm trọng hơn con có nguy cơ bị loét thực quản, loét dạ dày...
Hiện tượng làm dụng máy xay sinh tố
      Mặc dù đã hơn 3 tuổi rồi như Bờm vẫn được mẹ cho ăn bột với các thức ăn nghiền nhuyễn bằng máy xay sinh tố. Rong con đi khắp xóm, hát, pha trò cho con, treo thưởng ô tô, đồ chơi, chị Hương làm mọi cách mà không khắc phục được tình trạng biếng ăn của con. Tìm hiểu thì biết mặc dù đã hơn 3 tuổi nhưng Bờm, con chị Hương vẫn được mẹ cho ăn bột với các thức ăn nghiền nhuyễn bằng máy xay sinh tố.
Đồ ăn xay hỗn độn dễ làm con sợ và biếng ăn
     Khi được hỏi, vì sao tới độ tuổi này vẫn chưa thay đổi chế độ ăn và cho con ăn dặm, chị Hương phân trần: "Vì cháu quá biếng ăn, nếu không nấu nhiều thứ như thế này thì sợ không đủ chất. Ngoài ra Bờm vẫn ăn đồ ăn nhuyễn vì cứ ăn gì lợn cợn là nó lại ói ra, chẳng còn gì trong bụng."
Hậu quả
    Vì muốn con ăn đủ chất nên các mẹ thường xay lẫn các loại thực phẩm cho bé ăn. Các chị thường lý giải "cho ăn cơm, con ăn cả buổi được 2 thìa, giỏi lắm thì được miếng thịt. Trong khi nếu xay ra thì một bát cháo sẽ gồm cả lạng thịt, thêm rau và nhiều chất khác". Ăn cháo lại nhanh, con chỉ việc nuốt, cú ép há mồm thế nào cũng nuốt! Đây trở nên giải pháp thiết thực cho những gia đình có bé biếng ăn.
      Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh đưỡng, đây là quan niệm sai lầm. Xay nhuyễn khiến bé chỉ có phản xạ nuốt, bỏ qua giai đoạn nhai, dịch vị không được kích thích, không có cảm giác thèm ăn, lâu dần bé sẽ biếng ăn. Bị ép ăn một bát cháo "hổ lốn", bé có phản xạ nôn trớ. Nôn trớ nhiều sẽ làm loét dạ dày, thực quản. Những bé nôn được ra ngoài thì người lớn còn biết. Nhiều trường hợp con bị trào ngược nhưng chỉ trào lưng chừng rồi rơi vào phổi gây ho kéo dài giống như mắc bệnh hen .
     Tốt nhất, khi trẻ 6 tháng tuổi thì tập ăn bột loãng rồi sệt dần, 7-8 tháng ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc, 12 tháng thì tập ăn với cháo nấu còn hạt và các thức ăn mềm như phở, bún... 2 tuổi mọc đủ răng hàm thì ăn cơm. Mỗi khi chuyển tiếp chế độ ăn, những bữa ăn đầu bé có thể sẽ nôn ói, nhưng rồi các bé sẽ quen dần. Đừng vì sợ con nôn ói mà không dám cho con ăn thức ăn lợn cợn.
Không cho con ăn đồ nhuyễn, vậy nên làm gì đây khi con quá biếng ăn?
- Trước hết, mẹ phải biết cho bé ăn dặm đúng cách: đúng thời điểm, đúng tư thế (cho ngồi ăn), đúng thức ăn (bột cháo không xay, chỉ băm nhuyễn).
- Các mẹ hãy kiên trì giúp bé tập nhai dần các món ăn khác nhau và chế biến cho bé nhiều món ăn với màu sắc hấp dẫn như màu vàng của táo, xoài, đu đủ, màu đỏ của cà rốt, bí đỏ, màu xanh của súp lơ, bí xanh.
- Không đút miếng quá to làm bé không thể nhai. Ban đầu, mẹ chỉ nên đút cho con thức ăn bằng nửa hạt ngô hoặc không to quá hạt đậu. Ban đầu bé có thể sẽ cảm nhận lợn cợn trong miệng và mẹ có thể nhai làm mẫu cho con ăn. Có thể lần đầu con sẽ ọe nhưng sau một vài lần, con sẽ quen và biết nhai.
- Ngoài bữa ăn mềm (bột, cháo) các mẹ có thể cho bé một miếng bánh hay trái cây cho bé tập nhau. Cho con nhón bằng tay những đồ ăn mềm như cà rốt thái bằng đốt ngón tay ninh nhừ, súp lơ xanh cũng ninh nhừ... hoặc mẹ có thể cho con tập nhai bánh ăn dặm.
- Các mẹ hãy tạo sự tập trung cho bé nhai bằng cách không cho bé vừa ăn vừa xem tivi hay chơi trò chơi vì nếu có tác dộng bởi những hoạt động khác bé sẽ "quên" nhai mà chỉ ngậm thôi.
      Nếu các mẹ bỏ lỡ thời kỳ tập nhai của bé mà vẫn giữ thói quen cho thức ăn vào máy xay sinh tố xay mịn thì lâu dần bé sẽ không thấy ngon miệng, hơn nữa men tiêu hóa không được bài tiết đủ khiến quá trình hấp thu không triệt để. Lâu dần bé sẽ chán ăn và hình thành thói quen ngậm thức ăn trong miệng. Và càng nguy hiểm hơn nữa khi bé đến tuổi đi học mà không thể hòa nhập khi ăn những món ăn ở trường.